Trong những năm gần đây, nông nghiệp hữu cơ được mọi người quan tâm và có nhu cầu học tập, nhiều đơn hàng liên quan đến đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.

Đứng trước nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Lâm nghiệp đã thành lập Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ với mong muốn Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dịch vụ về nông nghiệp hữu cơ góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Trong khung chương trình đạo tạo ngành Khuyến nông và Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, môn Nông nghiệp hữu cơ được lựa chọn và đưa vào chương trình đào tạo với 02 tín chỉ. Môn học Nông nghiệp hữu cơ giúp các em sinh viên hiểu được các khái niệm, nguyên tắc, tiêu chuẩn hữu cơ, sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam và trên thế giới.

Các kỹ thuật từ làm đất, bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại và thu hoạch sản phẩm được giới thiệu đầy đủ và chi tiết. Bên cạnh các tiết lý thuyết sinh viên được thực hành trồng các loại rau hữu cơ theo mùa vụ trên khu ruộng thí nghiệm của Nhà trường. Ngoài ra, các giảng viên của Nhà trường còn đi tập huấn ở các tỉnh trực tiếp cho bà con nông dân thông qua các dự án về quế, hồi, tràm, gừng hữu cơ ở Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Tĩnh do tổ chức Helvertas Việt Nam tài trợ. Thông qua dự án hàng trăm ha quế, hồi, tràm được cấp chứng nhận của EU, USDA tiêu chuẩn Quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất.

Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đào tạo nhiều lớp học về nông nghiệp hữu cơ

Đào tạo nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu ở Yên Bái, Hòa Bình cho tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision), Tổ chức Phát triển Phụ nữ và Trẻ em (DWC) với hàng trăm nông dân được đào tạo về trồng rau hữu cơ, lúa hữu cơ và cây ăn quả hữu cơ. Các kỹ thuật liên quan đến luân canh, xen canh, che phủ đất, quản lý cỏ dại, làm dung dịch dinh dưỡng và thuốc thảo mộc được truyền đạt tới người học, từ đó bà con về áp dụng luôn trên đồng ruộng ở địa phương. Phân tích cho người học hiểu tác hại của việc trồng độc canh, sử dụng thuốc trừ cỏ và các loại phân bón hóa học từ đó nâng cao nhận thức cho người học. Đặc biệt đã giới thiệu các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm và đã đưa được sản phẩm đến với các thị trường ở TP Hà Nội thông qua các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.

Trong khuôn khổ dự án Rừng và Trang trại do Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tài trợ, Trung ương Hội nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện ở bốn tỉnh Bắc Cạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình đã đào tạo cho nông dân trồng lúa hữu cơ, trồng cây khôi hữu cơ, rau hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ… Đặc biệt chú ý hướng dẫn người dân về công tác làm việc nhóm, thanh tra chéo, quản lý chất lượng sản phẩm theo tổ nhóm/HTX.      

Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam triển khai dự án Đào tạo các lớp giảng viên (TOT) trồng rau hữu cơ ở Đà Nẵng (phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Đà Năng) và ở Huế (cho dự án Luxzembua) để có cán bộ nguồn cho các tỉnh.

Các học viên được đào tạo các kỹ thuật cơ bản về nông nghiệp hữu cơ, các phương pháp giảng dạy và cách quản lý chất lượng sản phẩm về nông nghiệp hữu cơ. Tập huấn cho tổ chức Actionai ở Cao Bằng, Đắk Lắk về trồng rau hữu cơ, gừng hữu cơ được cấp chứng nhận Quốc tế và sản phẩm được xuất khẩu. Tập huấn cho Công ty Vinh Hà ở Phú Xuyên về trồng rau hữu cơ và thành lập hệ thống kiểm soát nội bộ có sự tham gia (PGS Vinh Hà, Phú Xuyên) do tổ chức Oxfam Việt Nam tài trợ. Tập huấn kỹ thuật trồng măng sạch ở Vân Hồ, Sơn La cho hơn 500 nông dân trong vùng dự án, hướng dẫn người dân cách thu hoạch và quản lý rừng. Các sản phẩm từ rừng được hướng dẫn phơi, sơ chế và bảo quản.

Giới thiệu các công ty thu mua sản phẩm cho người dân với giá tốt, dự án do Helvertas Việt Nam tài trợ. Do nhiều người có mong muốn được tiếp cận với kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ phối hợp với Trung tâm giám sát cộng đồng có sự tham gia (CDPM), trực thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam mở các khóa tập huấn về Nông nghiệp hữu cơ và thu kinh phí từ người học.

Bà Trần Thị Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (bên phải)

Mỗi khóa tập huấn với 25-30 tham gia và được phản hồi rất tốt về nội dung kiến thức và phương pháp đào tạo. Đây sẽ là hướng đi mới cho các đối tượng không thuộc các dự án  nhưng luôn có nhu cầu tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ. Đào tạo, tập huấn về nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn và là con đường truyền thông nhanh nhất đến người học về một nền nông nghiệp không hóa chất. Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tự hào là đơn vị đồng hành và phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.                                                                                                           

Nguồn: nongnghiephuucovn.vn