Sáng 15/11, Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1964 - 2024), đánh dấu chặng đường vẻ vang trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, gắn bó mật thiết với công cuộc bảo vệ và phát triển rừng của đất nước.

Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ NN-PTNT, Bộ Giáo dục và Đào tạo và thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên và đối tác trong nước, quốc tế.

Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên và đối tác trong nước, quốc tế.

Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên và đối tác trong nước, quốc tế.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, GS.TS. NGƯT Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp tự hào rằng: “60 năm qua, chúng tôi tự hào về những cống hiến to lớn của nhà trường cho ngành lâm nghiệp và đất nước. Trường đã trở thành nơi hội tụ của tri thức, sáng tạo và tình yêu rừng, sẵn sàng thực hiện sứ mệnh cao cả trong thời đại mới”.

GS.TS.NGƯT. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cam kết ra sức tiếp tục phát huy truyền thống, tạo thêm những điểm uốn tích cực trên biểu đồ hành trình phát triển của Nhà trường, xứng đáng là một Trường đại học lớn, có trách nhiệm của đất nước.

GS.TS.NGƯT. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cam kết ra sức tiếp tục phát huy truyền thống, tạo thêm những điểm uốn tích cực trên biểu đồ hành trình phát triển của Nhà trường, xứng đáng là một Trường đại học lớn, có trách nhiệm của đất nước.

Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập vào ngày 19/8/1964 theo Quyết định 127/CP của Hội đồng Chính phủ. Những ngày đầu gian khó tại xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thầy và trò vừa giảng dạy, học tập, vừa tham gia lao động sản xuất và chiến đấu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Cuộc di dời lịch sử năm 1984 về Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội đã tạo nên một dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn mới đầy triển vọng. 

Từ quy mô ban đầu chỉ có 475 sinh viên và 4 ngành đào tạo, đến nay nhà trường đã mở rộng với hơn 12.000 người học ở nhiều bậc đào tạo. Đội ngũ giảng viên của trường có 184 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Trường đã đào tạo trên 50.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý, 6.000 thạc sĩ và gần 150 tiến sĩ, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Bên cạnh đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học cũng là điểm sáng của Trường Đại học Lâm nghiệp. Với 25 bằng sáng chế, phát minh và hơn 100 giải thưởng khoa học cấp quốc gia, quốc tế, trường không ngừng khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Hợp tác quốc tế được mở rộng tới 26 quốc gia, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những cống hiến to lớn của Nhà trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển rừng và "trồng người".

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình yêu cầu Đại học Lâm nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình yêu cầu Đại học Lâm nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn.

 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò sống còn của rừng đối với mọi khía cạnh đời sống, từ bảo vệ môi trường, chống xói mòn, lũ lụt đến lưu giữ văn hóa, phong tục. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, rừng càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, Phó Thủ tướng khẳng định đây là kim chỉ nam cho ngành lâm nghiệp và Trường Đại học Lâm nghiệp trong việc bảo vệ “tài sản xanh” của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, Phó Thủ tướng yêu cầu Trường Đại học Lâm nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn, đồng thời đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và sản xuất của ngành lâm nghiệp.

Nghiên cứu khoa học cần tập trung vào các vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển công nghệ lâm nghiệp và chế biến lâm sản thế hệ mới. Việc ứng dụng giải pháp lâm nghiệp thông minh, phát triển sinh kế bền vững dưới tán rừng, gắn với thị trường carbon là định hướng chiến lược cho tương lai.

Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng thành tựu khoa học tiên tiến để nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Trường Đại học Lâm nghiệp vinh dự nhận Cờ tuyên dương từ Bộ NN-PTNT, ghi nhận những thành tựu và đóng góp nổi bật trong 60 năm xây dựng và phát triển. Công đoàn cơ sở nhà trường, Công đoàn NN-PTNT Việt Nam cũng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Cờ thi đua, biểu dương nỗ lực xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (thứ 3 từ phải sang) trao cờ tuyên dương của Bộ NN-PTNT cho Trường Đại học Lâm nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (thứ 3 từ phải sang) trao cờ tuyên dương của Bộ NN-PTNT cho Trường Đại học Lâm nghiệp.

Buổi lễ kỷ niệm là dịp nhìn lại chặng đường vẻ vang, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trường Đại học Lâm nghiệp trong việc tiên phong bảo vệ màu xanh của Tổ quốc, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn và hiện đại.

Với những thành tựu đáng tự hào, cùng quyết tâm đổi mới và khát vọng vươn xa, Trường Đại học Lâm nghiệp tiếp tục viết nên câu chuyện đầy tự hào, vươn tầm khu vực và quốc tế, trở thành lá cờ đầu trong sự nghiệp đào tạo và phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Nguồn: nongnghiep.vn